Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Đường khoai nướng

Ít ai nghĩ rằng ngay giữa Sài Gòn lại tồn tại một thứ hàng rong đặc sệt chất quê mùa, xấu xí là Khoai nướng, món ăn dân dã từng được coi là “hình ảnh điển hình” của một thời hoang sơ nghèo đói.
http://tamhoc.com/wp-content/uploads/khoai4.jpg

Sài Gòn, địa danh một thời từng được người ngoại quốc khen ngợi với mỹ từ “Hòn ngọc Viễn Đông”. Với người Việt, hai chữ Sài Gòn gắn liền với hình ảnh giàu sang, kiêu sa, lộng lẫy với nhà chọc trời cao vút rực rỡ ánh đèn màu, là các khu thương mại, khu vui chơi sầm uất, là nơi tập trung sản vật ngon lành của mọi miền đất nước.

Bây giờ, buổi chiều đi qua các con đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ), đường Trần Quốc Thảo (Trương Minh Giảng cũ) thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một xe đẩy nhỏ bán món khoai nướng, bắp nướng. Nhưng tập trung nhiều xe khoai nướng nhất là đường Phan Xích Long (Thái Lập Thành cũ) ở khu chung cư Miếu Nổi (quận Phú Nhuận). Cứ tầm từ 6 giờ chiều trở lên, chỉ một đoạn ngắn chừng hơn 500 mét đối diện tòa nhà Agribank đã thấy có hơn chục xe khoai nướng đứng dọc theo vệ đường chào mời khách.

Đường Phan Xích Long với khu dân cư mới mở rộng cùng hàng loạt đường nội bộ nhỏ mang tên các loài hoa như: Hoa Sứ, Hoa Lan, Hoa Đào, Hoa Mai, Hoa Hồng… được coi là khu bình dân nên giá đồ ăn thức uống của hàng quán khu vực này có giá rất bình dân. Có lẽ vì vậy mà ở đây cũng tập trung nhiều xe hàng rong bán quà quê. Nội thành Sài Gòn từ tầm 4 giờ rưỡi chiều đến 7 giờ tối được coi là giờ “cao điểm” kẹt xe. Vào giờ này, khi phần lớn người tham gia giao thông phải chen chúc, kiên nhẫn chịu đựng cái nóng và khói bụi cố len từng bước qua Cầu Bông, thì một số ít người “rành đường” cho xe máy đi luồng qua các con đường nhỏ nội bộ mang tên Hoa rồi trổ ra đường Phan Xích Long, vừa thở phào tận hưởng được một chút không khí thoáng đãng vừa tha hồ dừng xe bất cứ chổ nào để ăn quà vặt.

Lúc mặt trời gần như tắt nắng, cái nóng dịu đi cũng là lúc mùi thơm thơm, khét khét của khoai nướng, bắp nướng “tấp” vào mũi người đi đường, “lôi kéo mãnh liệt” cái bao tử đang trống trơn sau một ngày làm việc. Cái mùi quê mùa, dân dã và nghèo khó tưởng như chỉ tồn tại ở nông thôn nay lại nồng nàn cả một đoạn đường phố thị Sài Gòn tráng lệ. Mùi thơm đặc biệt hấp dẫn khó tả làm xao xuyến bất cứ ai từng một thời hít hà cầm củ khoai lang nóng hổi vừa thổi vừa ăn vừa hí hửng hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ… Lùa trâu nhốt chuồng gánh nước nữa là (a à a) xong. Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là (a à a) vàng”. Với tôi, thời mà cái đói vây lấy từng căn nhà lá rách, trẻ con không có quà bánh gì để ăn thì vàng đối với chúng làm sao ngon bằng khoai lang nướng.

Trên những chiếc xe đẩy hai bánh cũ kỹ xập xệ diện tích chừng nửa mét vuông là cả gian hàng khoai nướng với những củ khoai lang bí da màu đỏ tím sậm, mập tròn như bầy heo đất tỏa mùi thơm phức trên bếp than hồng. Khách mua khoai có thể là người đi bộ đạo chơi buổi tối, cũng có khi là khách vãng lai ghé xe máy vào mua vài củ. Bây giờ, khoai không bán giá một ngàn, hai ngàn như cách đây chục năm về trước, mỗi củ khoai nướng giá từ 5 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng trở lên nếu củ khoai bự bằng bắp tay người lớn.

Khoai nướng thì tôi không lạ, chỉ lạ cái cách nướng và ăn khoai nướng cả củ của người dân Sài Gòn. Khoai được rửa vỏ sạch để ráo rồi cho lên bếp than nướng “nguyên con”. Khoai chín, có người thích ăn bằng cách dùng dao “mổ bụng” củ khoai chan mỡ hành vào. Cũng có người bẻ ra từng miếng chấm tương ớt, xì dầu trong những cái chén nhỏ xíu ăn tại chổ.

Chị Mai, một khách hàng nói: “Bây giờ ăn cái gì cũng sợ nhiễm độc hết. Tối tối ăn khoai nướng chơi vừa rẻ, vừa ngon, mua khỏi mất công trả giá”.

Hàng khoai nướng phần lớn là dân ngoài Bắc vào. Người cùng quê, cùng cảnh rồi í ới với nhau tập trung ở đường Phan Xích Long này buôn bán vì ở đây ít bị lực lượng trật tự đô thị đuổi bắt. Một cậu tên Hùng, quê Hà Tây nói Hùng đẩy xe bán khoai nướng, bắp nướng đã hơn chục năm nay, “đồng nghiệp” quanh đây toàn “đồng hương” của cậu ta. Ban ngày Hùng bán ở đường khác, nhưng đến 6 giờ chiều là Hùng Quay về đậu xe ở đường Phan Xích Long. Vừa đứng nướng khoai, Hùng vừa liến thoắng kể: “Em tự dưng trở thành người Hà Nội chị ạ! Chẳng được lợi lộc gì, bỗng nhiên quê em ai cũng bị mất một mớ tiền”. “Ủa, làm sao mà bị mất tiền?”. Tôi hỏi lại. Hùng nói: “Đang là dân Hà Tây bỗng đùng một cái trở thành người Hà Nội. Nhà ai cũng phải làm lại giấy tờ đất đai, nhà cửa, sổ hộ khẩu, giấy khai sanh cho con, giấy tờ xe máy, và nhiều thứ giấy lằng nhằng khác. Riêng cái sổ đỏ có mấy sào ruộng mà em tốn 2 triệu tiền phí nộp cho nhà nước, có biên lai đàng hoàng chớ không phải qua cò kiếc gì đâu. Cộng hết mấy thứ giấy lại em mất gần 3 triệu đồng. Đi rã chân cả ngày bán hết hàng mới để dành được một ngày vài chục ngàn. Mất 3 triệu đồng tiếc ơi là tiếc”. Chuyện của Hùng đúng là cười ra nước mắt làm tôi không biết nói sao để an ủi cậu ta, đành cười trừ nói sang chuyện khác.

khoai nướng

Ở quê tôi, buổi chiều người ta hay bày bán khoai lang nướng dưới gốc cây, trước hiên nhà, trước cổng trường tiểu học. Khoai được chọn bán thường là khoai lang bí, tức khoai lang da màu đỏ tím đậm, ruột đỏ như màu bí rợ, cà rốt, ăn rất ngọt. Gặp lúc không có khoai lang bí mới dùng khoai lang trắng, khoai lang tím (khoai Dương Ngọc) ăn không ngọt bằng khoai bí nhưng bùi hơn. Người bán gọt bỏ lớp vỏ khoai bên ngoài, rửa sạch để ráo, xắt củ khoai thành từng miếng dày cỡ 1-1,5 cm theo chiều dọc hơi xéo xéo rồi để sẳn vào cái thau nhôm. Bếp nướng thường được tận dụng từ những cái nồi hay thau kim loại, nồi đất lớn đã bị thủng hay rỉ. Đổ vào nồi (thau) một lớp tro bếp cao hơn gần đến miệng, nhóm lửa than phía trên lớp tro để tận dụng hết sức nóng của than, đặt một cái vỉ sắt lên phía trên miệng nồi rồi xếp từng miếng khoai lên nướng. Lớp than càng gần khoai thì khoai càng mau chín. Người bán làm trước một keo lớn mỡ hành gồm mỡ nước (heo) pha thêm nước lã, cho thêm chút muối, chút đường và cho rất nhiều hành lá được xắt nhuyễn vào nấu sôi lên, quấy đều, chờ cho bớt nóng rồi đổ hết vào keo thủy tinh lớn. Keo mỡ hành này luôn luôn được người bán đặt gần bếp than để mỡ không bị đông lại. Người ta lấy cọng sống lá chuối xanh dài khoảng một gang tay, đầu lớn cỡ ngón tay cái, đầu kia nhỏ hơn, chẻ đầu lớn hơi tưa ra một chút như cái cọ rồi cắm đầu cọ vào keo mỡ hành.

Lúc nhỏ, mỗi lần có được vài mươi xu là tôi lại chạy ra ngồi xổm bên bà bán khoai nướng hàng xóm mua khoai ăn và để nhìn bà tỉ mỉ bán hàng. Bà lấy xuống một (hay hai) miếng khoai đã chín còn nóng hổi, lật tấm ni-lông trắng trên tấm thớt cây lớn ra, đặt miếng khoai vào, úp tấm ni-lông lại rồi lấy một vật bằng cây giống như cái vợt bóng bàn (nhưng bề ngang hẹp hơn và nặng hơn) đập mạnh lên miếng khoai trên thớt cho miếng khoai bẹp ra. Rồi bà lật tấm ni-lông lấy miếng khoai để lên tấm lá chuối xanh đã được lau sạch để trong cái rổ bên cạnh. Bà cầm cọ sống chuối chấm đẫm nước mỡ hành thơm phức quét lên mặt miếng khoai rồi đưa cho tôi. Tôi đưa hai tay đón lấy miếng khoai còn nóng hổi xé ra ăn liền tại chổ, vừa ăn vừa hít hà vì nóng. Vị ngọt của khoai, vị beo béo của mỡ, vị mằn mặn của muối, của đường, mùi thơm của hành, của tinh bột khen khét, cùng cái cảm giác giòn giòn của lớp khoai nướng cháy… làm cho tôi cảm thấy khoai lang nướng là món ăn ngon nhất trần gian.

Trong những quán ăn, nhà hàng sang trọng, khoai lang được cắt thành sợi vuông vuông cỡ ngón tay nướng với mè trắng và dầu ăn trong lò vi sóng. Khi chín, khoai giòn rụm và thơm mùi… mè. Món ăn mộc mạc, dân dã, càng chế biến cầu kỳ thì càng mất đi hương vị đặc biệt đồng quê vốn có, khoai nướng lò vi sóng với snack đóng gói thì có gì khác nhau đâu?

Bây giờ, không còn hình ảnh một đám trẻ lóc nhóc ăn mặc lôi thôi lếch thếch xúm quanh người đàn bà ngồi dưới gốc cây bán khoai lang nướng. Mùi thơm khen khét của khoai, của mỡ hành bốc lên làm cho đám trẻ ăn xong miếng khoai rồi vẫn còn thèm thuồng muốn ăn thêm nữa. Dù sao thì những chiếc xe đẩy nhỏ với bếp than hồng tỏa mùi khoai lang nướng nồng nàn vẫn làm ấm lòng người xa quê hơn khoai lang nướng trên những bàn ăn sang trọng với kiểu cách chế biến cầu kỳ. Chen giữa phố phường Sài Gòn phồn hoa với nhịp sống công nghiệp vội vã, khô khan, tôi thầm cảm ơn một góc đường bay mùi khoai lang nướng chan chứa hồn quê.ít ai nghĩ rằng ngay giữa Sài Gòn lại tồn tại một thứ hàng rong đặc sệt chất quê mùa, xấu xí là Khoai nướng, món ăn dân dã từng được coi là “hình ảnh điển hình” của một thời hoang sơ nghèo đói.

Sài Gòn, địa danh một thời từng được người ngoại quốc khen ngợi với mỹ từ “Hòn ngọc Viễn Đông”. Với người Việt, hai chữ Sài Gòn gắn liền với hình ảnh giàu sang, kiêu sa, lộng lẫy với nhà chọc trời cao vút rực rỡ ánh đèn màu, là các khu thương mại, khu vui chơi sầm uất, là nơi tập trung sản vật ngon lành của mọi miền đất nước.

Bây giờ, buổi chiều đi qua các con đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ), đường Trần Quốc Thảo (Trương Minh Giảng cũ) thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một xe đẩy nhỏ bán món khoai nướng, bắp nướng. Nhưng tập trung nhiều xe khoai nướng nhất là đường Phan Xích Long (Thái Lập Thành cũ) ở khu chung cư Miếu Nổi (quận Phú Nhuận). Cứ tầm từ 6 giờ chiều trở lên, chỉ một đoạn ngắn chừng hơn 500 mét đối diện tòa nhà Agribank đã thấy có hơn chục xe khoai nướng đứng dọc theo vệ đường chào mời khách.

Đường Phan Xích Long với khu dân cư mới mở rộng cùng hàng loạt đường nội bộ nhỏ mang tên các loài hoa như: Hoa Sứ, Hoa Lan, Hoa Đào, Hoa Mai, Hoa Hồng… được coi là khu bình dân nên giá đồ ăn thức uống của hàng quán khu vực này có giá rất bình dân. Có lẽ vì vậy mà ở đây cũng tập trung nhiều xe hàng rong bán quà quê. Nội thành Sài Gòn từ tầm 4 giờ rưỡi chiều đến 7 giờ tối được coi là giờ “cao điểm” kẹt xe. Vào giờ này, khi phần lớn người tham gia giao thông phải chen chúc, kiên nhẫn chịu đựng cái nóng và khói bụi cố len từng bước qua Cầu Bông, thì một số ít người “rành đường” cho xe máy đi luồng qua các con đường nhỏ nội bộ mang tên Hoa rồi trổ ra đường Phan Xích Long, vừa thở phào tận hưởng được một chút không khí thoáng đãng vừa tha hồ dừng xe bất cứ chổ nào để ăn quà vặt.

Lúc mặt trời gần như tắt nắng, cái nóng dịu đi cũng là lúc mùi thơm thơm, khét khét của khoai nướng, bắp nướng “tấp” vào mũi người đi đường, “lôi kéo mãnh liệt” cái bao tử đang trống trơn sau một ngày làm việc. Cái mùi quê mùa, dân dã và nghèo khó tưởng như chỉ tồn tại ở nông thôn nay lại nồng nàn cả một đoạn đường phố thị Sài Gòn tráng lệ. Mùi thơm đặc biệt hấp dẫn khó tả làm xao xuyến bất cứ ai từng một thời hít hà cầm củ khoai lang nóng hổi vừa thổi vừa ăn vừa hí hửng hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ… Lùa trâu nhốt chuồng gánh nước nữa là (a à a) xong. Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là (a à a) vàng”. Với tôi, thời mà cái đói vây lấy từng căn nhà lá rách, trẻ con không có quà bánh gì để ăn thì vàng đối với chúng làm sao ngon bằng khoai lang nướng.

Trên những chiếc xe đẩy hai bánh cũ kỹ xập xệ diện tích chừng nửa mét vuông là cả gian hàng khoai nướng với những củ khoai lang bí da màu đỏ tím sậm, mập tròn như bầy heo đất tỏa mùi thơm phức trên bếp than hồng. Khách mua khoai có thể là người đi bộ đạo chơi buổi tối, cũng có khi là khách vãng lai ghé xe máy vào mua vài củ. Bây giờ, khoai không bán giá một ngàn, hai ngàn như cách đây chục năm về trước, mỗi củ khoai nướng giá từ 5 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng trở lên nếu củ khoai bự bằng bắp tay người lớn.

Khoai nướng thì tôi không lạ, chỉ lạ cái cách nướng và ăn khoai nướng cả củ của người dân Sài Gòn. Khoai được rửa vỏ sạch để ráo rồi cho lên bếp than nướng “nguyên con”. Khoai chín, có người thích ăn bằng cách dùng dao “mổ bụng” củ khoai chan mỡ hành vào. Cũng có người bẻ ra từng miếng chấm tương ớt, xì dầu trong những cái chén nhỏ xíu ăn tại chổ.

Chị Mai, một khách hàng nói: “Bây giờ ăn cái gì cũng sợ nhiễm độc hết. Tối tối ăn khoai nướng chơi vừa rẻ, vừa ngon, mua khỏi mất công trả giá”.

Hàng khoai nướng phần lớn là dân ngoài Bắc vào. Người cùng quê, cùng cảnh rồi í ới với nhau tập trung ở đường Phan Xích Long này buôn bán vì ở đây ít bị lực lượng trật tự đô thị đuổi bắt. Một cậu tên Hùng, quê Hà Tây nói Hùng đẩy xe bán khoai nướng, bắp nướng đã hơn chục năm nay, “đồng nghiệp” quanh đây toàn “đồng hương” của cậu ta. Ban ngày Hùng bán ở đường khác, nhưng đến 6 giờ chiều là Hùng Quay về đậu xe ở đường Phan Xích Long. Vừa đứng nướng khoai, Hùng vừa liến thoắng kể: “Em tự dưng trở thành người Hà Nội chị ạ! Chẳng được lợi lộc gì, bỗng nhiên quê em ai cũng bị mất một mớ tiền”. “Ủa, làm sao mà bị mất tiền?”. Tôi hỏi lại. Hùng nói: “Đang là dân Hà Tây bỗng đùng một cái trở thành người Hà Nội. Nhà ai cũng phải làm lại giấy tờ đất đai, nhà cửa, sổ hộ khẩu, giấy khai sanh cho con, giấy tờ xe máy, và nhiều thứ giấy lằng nhằng khác. Riêng cái sổ đỏ có mấy sào ruộng mà em tốn 2 triệu tiền phí nộp cho nhà nước, có biên lai đàng hoàng chớ không phải qua cò kiếc gì đâu. Cộng hết mấy thứ giấy lại em mất gần 3 triệu đồng. Đi rã chân cả ngày bán hết hàng mới để dành được một ngày vài chục ngàn. Mất 3 triệu đồng tiếc ơi là tiếc”. Chuyện của Hùng đúng là cười ra nước mắt làm tôi không biết nói sao để an ủi cậu ta, đành cười trừ nói sang chuyện khác.

khoai nướng

Ở quê tôi, buổi chiều người ta hay bày bán khoai lang nướng dưới gốc cây, trước hiên nhà, trước cổng trường tiểu học. Khoai được chọn bán thường là khoai lang bí, tức khoai lang da màu đỏ tím đậm, ruột đỏ như màu bí rợ, cà rốt, ăn rất ngọt. Gặp lúc không có khoai lang bí mới dùng khoai lang trắng, khoai lang tím (khoai Dương Ngọc) ăn không ngọt bằng khoai bí nhưng bùi hơn. Người bán gọt bỏ lớp vỏ khoai bên ngoài, rửa sạch để ráo, xắt củ khoai thành từng miếng dày cỡ 1-1,5 cm theo chiều dọc hơi xéo xéo rồi để sẳn vào cái thau nhôm. Bếp nướng thường được tận dụng từ những cái nồi hay thau kim loại, nồi đất lớn đã bị thủng hay rỉ. Đổ vào nồi (thau) một lớp tro bếp cao hơn gần đến miệng, nhóm lửa than phía trên lớp tro để tận dụng hết sức nóng của than, đặt một cái vỉ sắt lên phía trên miệng nồi rồi xếp từng miếng khoai lên nướng. Lớp than càng gần khoai thì khoai càng mau chín. Người bán làm trước một keo lớn mỡ hành gồm mỡ nước (heo) pha thêm nước lã, cho thêm chút muối, chút đường và cho rất nhiều hành lá được xắt nhuyễn vào nấu sôi lên, quấy đều, chờ cho bớt nóng rồi đổ hết vào keo thủy tinh lớn. Keo mỡ hành này luôn luôn được người bán đặt gần bếp than để mỡ không bị đông lại. Người ta lấy cọng sống lá chuối xanh dài khoảng một gang tay, đầu lớn cỡ ngón tay cái, đầu kia nhỏ hơn, chẻ đầu lớn hơi tưa ra một chút như cái cọ rồi cắm đầu cọ vào keo mỡ hành.

Lúc nhỏ, mỗi lần có được vài mươi xu là tôi lại chạy ra ngồi xổm bên bà bán khoai nướng hàng xóm mua khoai ăn và để nhìn bà tỉ mỉ bán hàng. Bà lấy xuống một (hay hai) miếng khoai đã chín còn nóng hổi, lật tấm ni-lông trắng trên tấm thớt cây lớn ra, đặt miếng khoai vào, úp tấm ni-lông lại rồi lấy một vật bằng cây giống như cái vợt bóng bàn (nhưng bề ngang hẹp hơn và nặng hơn) đập mạnh lên miếng khoai trên thớt cho miếng khoai bẹp ra. Rồi bà lật tấm ni-lông lấy miếng khoai để lên tấm lá chuối xanh đã được lau sạch để trong cái rổ bên cạnh. Bà cầm cọ sống chuối chấm đẫm nước mỡ hành thơm phức quét lên mặt miếng khoai rồi đưa cho tôi. Tôi đưa hai tay đón lấy miếng khoai còn nóng hổi xé ra ăn liền tại chổ, vừa ăn vừa hít hà vì nóng. Vị ngọt của khoai, vị beo béo của mỡ, vị mằn mặn của muối, của đường, mùi thơm của hành, của tinh bột khen khét, cùng cái cảm giác giòn giòn của lớp khoai nướng cháy… làm cho tôi cảm thấy khoai lang nướng là món ăn ngon nhất trần gian.

Trong những quán ăn, nhà hàng sang trọng, khoai lang được cắt thành sợi vuông vuông cỡ ngón tay nướng với mè trắng và dầu ăn trong lò vi sóng. Khi chín, khoai giòn rụm và thơm mùi… mè. Món ăn mộc mạc, dân dã, càng chế biến cầu kỳ thì càng mất đi hương vị đặc biệt đồng quê vốn có, khoai nướng lò vi sóng với snack đóng gói thì có gì khác nhau đâu?

Bây giờ, không còn hình ảnh một đám trẻ lóc nhóc ăn mặc lôi thôi lếch thếch xúm quanh người đàn bà ngồi dưới gốc cây bán khoai lang nướng. Mùi thơm khen khét của khoai, của mỡ hành bốc lên làm cho đám trẻ ăn xong miếng khoai rồi vẫn còn thèm thuồng muốn ăn thêm nữa. Dù sao thì những chiếc xe đẩy nhỏ với bếp than hồng tỏa mùi khoai lang nướng nồng nàn vẫn làm ấm lòng người xa quê hơn khoai lang nướng trên những bàn ăn sang trọng với kiểu cách chế biến cầu kỳ. Chen giữa phố phường Sài Gòn phồn hoa với nhịp sống công nghiệp vội vã, khô khan, tôi thầm cảm ơn một góc đường bay mùi khoai lang nướng chan chứa hồn quê.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét